Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ở bộ, ngành, địa phương nào có sự cố môi trường thì người đứng đầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Chính phủ
Ngày 24-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và 63 tỉnh, TP về bảo vệ môi trường.
Nhiều điểm nóng
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thời gian qua, ô nhiễm môi trường và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường đã gây bức xúc trong xã hội và tạo nhiều điểm nóng xã hội. “Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), các sở TN-MT, cơ quan chức năng… phải làm rõ trách nhiệm chứ không để mãi tình trạng “cha chung không ai khóc”, nói qua nói lại” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết nguồn nước mặt một số nơi bị ô nhiễm, nhất là trong các khu đô thị, xung quanh các KCN, làng nghề. Cả nước có 283 KCN với hơn 550.000 m3 nước thải/ngày đêm, 615 cụm công nghiệp. Trong đó, chỉ hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu; trên 5.000 doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; hơn 4.500 làng nghề; hơn 13.500 cơ sở y tế hằng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m3 nước thải y tế; có 787 đô thị với 3 triệu m3 nước thải/ngày đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý; lưu hành gần 43 triệu mô tô và trên 2 triệu ô tô.
Đáng ngại hơn, theo ông Hà, hằng năm, cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại; hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Không thu hút đầu tư bằng mọi giá” Ảnh: Quang Hiếu
Hiện chỉ có 40/786 đô thị trên cả nước có công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn với tổng công suất xử lý khoảng 800.000 m3/ngày đêm. Tình trạng hạn hán, khô hạn và hoang mạc hóa do tác động cực đoan của thời tiết và biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng. Đợt mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh gây thiệt hại hơn 2.500 tỉ đồng. Nước biển xâm thực vào đất liền khoảng 200 m ở Cửa Đại (tỉnh Quảng Nam) đe dọa nhấn chìm cả khu vực. Đại hạn và xâm thực mặn ở ĐBSCL, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ khiến nhiều triệu người sống khổ sở, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.
Cần “GDP xanh”
Đặc biệt, theo “tư lệnh” ngành TN-MT, khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm…
“Cần tỉnh táo để đánh giá DN FDI đến Việt Nam vì môi trường đầu tư hấp dẫn, vì lợi thế so sánh hay do các quy chuẩn về bảo vệ môi trường chưa theo kịp yêu cầu? Phải chăng, lợi ích mà DN FDI mang lại cho chúng ta không đủ bù đắp những phí tổn về khí hậu và môi trường đang hiện hữu?” – ông Hà đặt vấn đề và khẳng định đã đến lúc phải xây dựng chỉ tiêu “GDP xanh” trong đánh giá tăng trưởng kinh tế thay vì khái niệm GDP đơn thuần như hiện nay. Theo đó, phải tính toán đến cả các chi phí tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế.
Ông Hà ví dụ điển hình như Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa ở tỉnh Hà Tĩnh (Formosa) hủy hoại vùng nước biển ven bờ gây hậu quả lớn về kinh tế – xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài; gây mất an ninh trật tự, tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân nhiều tỉnh. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến khẳng định lỗ hổng trong vụ này là do con người, còn hệ thống pháp luật về môi trường đã tương đối đầy đủ.
Kết luận nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghiêm khắc nói: “Vụ Formosa là một điển hình cho thấy nhiều cán bộ quản lý môi trường vô trách nhiệm. Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường của Bộ Công an chưa tập trung cho công việc phòng chống, đấu tranh với các hành vi vi phạm. Thanh tra Chính phủ và thanh tra các cấp chưa chú trọng thanh tra các vấn đề về môi trường. Cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương chỉ tập trung phát triển kinh tế mà coi thường, bỏ quên vấn đề môi trường. Các cơ quan phát hiện, xử lý chậm, chủ yếu trông vào người dân, báo chí. Vụ Formosa nghiêm trọng như vậy mà tất cả đều im lặng đến khi báo chí đăng tải, phản ánh mãi mới biết. Cả hệ thống kiểm soát như vậy ở đâu?”.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết TP đặt mục tiêu xây dựng Đà Nẵng là TP môi trường, với mục tiêu năm 2020 sẽ thu gom và xử lý 100% nước thải công nghiệp và sinh hoạt…
Trước phát biểu của lãnh đạo Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “TP Đà Nẵng là nơi rất đáng sống, với hình ảnh rất đẹp ở nơi đây là thanh niên, người già đi dọc biển nhặt rác song Trung tâm Hành chính Đà Nẵng lại để thiếu không khí”.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết từ năm 2011, nước sông Hồng từ biên giới phía Trung Quốc đổ về xuôi ngày càng ô nhiễm. Hiện Bộ TN-MT đã đầu tư 1 trạm quan trắc môi trường ở phía đầu nguồn sông Hồng thuộc địa phận Lào Cai nhưng chỉ đo được chỉ số cơ bản và đã xuống cấp nên hiệu quả không cao. Hiện vấn đề ô nhiễm môi trường sông Hồng vẫn chưa được cải thiện đáng kể nên đề nghị tăng cường đầu tư thêm trạm quan trắc ô nhiễm xuyên biên giới.
Trước lo lắng của ông Phong, Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT xem xét. Cùng vấn đề này, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Cao Đức Phát đề nghị cần tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường như vấn đề ô nhiễm sông Hồng và các sông ở ĐBSCL.
Không được chồng chéo, gây khó dễ
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ trưởng và chủ tịch UBND các tỉnh, TP phải chịu trách nhiệm về môi trường trong lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách, không phải để xảy gây hậu quả rồi dư luận bức xúc mới rục rịch hành động. “Ở đâu có sự cố môi trường, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Chính phủ” – Thủ tướng quả quyết và yêu cầu Bộ TN-MT từ năm 2017, phải tiến hành khảo sát, đánh giá và xếp hạng các tỉnh, TP về vấn đề môi trường như bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh; xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường trình Thủ tướng ký ban hành chỉ thị trước ngày 30-8 để các ngành và địa phương thực hiện.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tới đây, các cơ quan chức năng, nhất là Bộ TN-MT, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ có kế hoạch rà soát, thanh – kiểm tra vấn đề chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng không được để chồng chéo, gây khó dễ cho nhà đầu tư và DN.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Không thu hút đầu tư bằng mọi giá, kiên quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường, không cho phép đầu tư những dự án gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu, dự án có nguy cơ ở những khu vực nhạy cảm như dự án nhà máy giấy ở Hậu Giang. Phải đặc biệt lưu ý vấn đề này sau bài học Formosa”.
Nguồn : NLD.COM.VN